Header Ads

Breaking News
recent

Thừa phát lại: Cần nhưng chưa gần

(Hoailegal)-Là dịch vụ tư pháp rất cần thiết nhưng cơ chế hiện hành chưa làm cho người dân và cả cán bộ, công chức Nhà nước thật sự tin tưởng, phối hợp đồng thời hỗ trợ hoạt động thừa phát lại

Ngày 3-8, Bộ Tư pháp đã chủ trì hội nghị tổng kết 3 năm thí điểm chế định thừa phát lại (TPL) tại TPHCM theo Nghị quyết 24 của Quốc hội. Hầu hết ý kiến nhìn nhận đây là dịch vụ tư pháp rất cần thiết trong đời sống nhưng do thời gian triển khai còn quá ngắn, chế định này vẫn còn khá xa lạ và chưa phát huy đầy đủ vai trò của mình.
Thừa phát lại Quận 10 đang lập vi bằng về việc giao thông báo
Mới khai thác tốt “đặc sản” lập vi bằng
Ngay sau khi được triển khai (từ ngày 1-7-2009), hoạt động TPL được biết đến như là một dịch vụ pháp lý chuyên tống đạt văn bản theo yêu cầu của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, lập vi bằng ghi nhận các sự việc, xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành bản án.
Lập vi bằng tại Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình - TPHCM
Tuy nhiên, hoạt động thực tế của các văn phòng TPL tại TPHCM trong thời gian thí điểm chủ yếu tập trung vào dịch vụ lập vi bằng. Trong số 8 văn phòng TPL được thành lập ở TPHCM, 5 văn phòng “đi tiên phong” đến nay đã thay tòa án và cơ quan thi hành án tống đạt được hơn 100.000 văn bản, lập hơn 5.000 vi bằng, thực hiện 147 vụ xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành được 16 vụ án dân sự. Tổng doanh thu của 5 văn phòng nói trên đạt trên 17 tỉ đồng, trong đó số tiền có được từ việc lập vi bằng chiếm gần 56%.
Trước khi các văn phòng TPL thành lập, hầu như chưa có cơ quan nào đứng ra xác lập chứng cứ cho người dân. Do vậy, khi ra đời, dịch vụ này đã được khá nhiều khách hàng tìm đến nhờ lập vi bằng nhằm tạo chứng cứ hạn chế khả năng tranh chấp, rủi ro pháp lý về sau trong các giao dịch dân sự. Theo quy định của Bộ Tư pháp, TPL được lập vi bằng ở 18 lĩnh vực, trong đó có xác nhận các tình trạng nhà ở, tài sản trước khi ly hôn, hàng giả, mức độ ô nhiễm, hành vi cạnh tranh không lành mạnh, công trình nghiệm thu...
Cần sửa đổi, bổ sung để gỡ khó cho thừa phát lại
Mặc dù đã xuất hiện tại Việt Nam từ thời thuộc Pháp và duy trì tại miền Nam cho đến năm 1975 nhưng khi được khôi phục trở lại, chế định trên vẫn khá xa lạ và không nhiều người, kể cả cán bộ Nhà nước, hiểu hết vai trò xã hội của nó.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hảo, Văn phòng TPL quận Tân Bình, tại nhiều nơi, công an phường/xã không hỗ trợ cán bộ TPL tống đạt văn bản đến đối tượng vì cho rằng TPL là một đơn vị tư nhân. Có trường hợp bộ phận tiếp dân không đồng ý cho thư ký nghiệp vụ gặp cảnh sát khu vực để hỏi thông tin người cần tống đạt còn cư trú ở địa phương không, gây khó khăn, mất nhiều thời gian dẫn đến  chậm trễ  việc thực hiện việc tống đạt.
Có trường hợp TPL lập vi bằng ở quận 5 ghi nhận tình trạng một căn nhà đang được sửa chữa theo yêu cầu của khách hàng. Chủ nhà và những người sống trong căn nhà (quan hệ mẹ - con) có tranh chấp nên hai bên mâu thuẫn, thậm chí xung đột. Lúc TPL đến nơi để ghi nhận thì bị người con của chủ nhà ngăn cản, đe dọa không cho vào.
Khi công an phường xuống hiện trường thì mời tất cả mọi người, kể cả TPL, về trụ sở giải quyết. Sau khi nghe các bên trình bày, công an phường cho rằng TPL quận Tân Bình không được lập vi bằng trên địa bàn quận 5. “Từ chỗ không hiểu hết vai trò, chức trách của chúng tôi, nhiều người đã vô tình cản trở làm mất tác dụng việc thực thi nhiệm vụ của TPL” - bà Hảo nói.
Đối với công tác xác minh tài sản và thi hành án, sự phối hợp của các cơ quan chức năng còn nhiêu khê hơn. Thường xuyên xảy ra tình trạng công an từ chối tham gia cưỡng chế kê biên tài sản, không cung cấp thông tin chủ sở hữu phương tiện trong quá trình thi hành án của TPL; ngân hàng khước từ cung cấp tình trạng tài khoản của người phải thi hành án; cơ quan thuế quay lưng, không xuất hóa đơn cho tài sản thi hành án bán đấu giá...
Ông Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đánh giá cơ chế hiện hành chưa làm cho người dân và ngay cả cán bộ, công chức Nhà nước thật sự tin tưởng, phối hợp và hỗ trợ TPL. Các quy định pháp luật về tổ chức, hoạt động của mô hình TPL còn nhiều hạn chế, cần phải sửa đổi, bổ sung.
Sẽ nhân rộng
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, tuy thời gian thí điểm thực chất chỉ mới hơn một năm nhưng hoạt động TPL đã thể hiện được hiệu quả và vai trò xã hội to lớn. Với thành công bước đầu của TPHCM, hiện nhiều địa phương rất quan tâm mô hình này. Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Đà Nẵng đã chính thức gửi văn bản đến Bộ Tư pháp và Chính phủ xin thành lập văn phòng TPL. Tuy nhiên, trước mắt các văn phòng TPL đã thành lập sẽ được tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động bình thường trong lúc chờ Chính phủ tổng kết báo cáo Quốc hội vào kỳ họp tới. “TPL đã chứng minh dịch vụ này không những là chỗ dựa pháp lý đáng tin cậy của người dân mà còn gánh vác được nhiều việc của ngành tư pháp, giúp giảm áp lực công việc, nhân sự cho tòa án và thi hành án để các cơ quan này có điều kiện chuyên tâm vào chức trách của mình” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường khẳng định.

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.