Header Ads

Breaking News
recent

Thừa phát lại có được phép lập vi bằng ghi nhận phiên tòa

(Thừa phát lại 24h)-Chế định Thừa phát lại được chính thức được thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh kể từ ngày 09 tháng 9 năm 2009 – ngày Nghị định 61/2009/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Sau hơn 03 năm được thí điểm, hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả khả quan, được xã hội, người dân đón nhận tích cực. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại, theo đó, chế định Thừa phát lại sẽ được mở rộng thí điểm thêm 12 tỉnh thành khác trên cả nước đến hết ngày 31/12/2015.
Hình minh họa
Tuy nhiên do đây là một chế định tương đối mới nên nhiều cơ quan, tổ chức cá nhân vẫn chưa hiểu rõ về tư cách, chức năng, khả năng, nhiệm vụ… của Thừa phát lại, vì vậy để quý đọc giả có thể dễ dàng nắm bắt nội dung tác giả muốn truyền tải, tác giả sẽ giới thiệu sơ lược những điểm cơ bản của chế định Thừa phát lại.
Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc sau:
1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
Thừa phát lại được quyền tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự. Ngoài ra trên cơ sở đề nghị của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận để tống đạt các loại văn bản, giấy tờ khác.
2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở văn phòng theo yêu cầu của đương sự.
3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Khi thực hiện việc xác minh, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại trong trường hợp đương sự cư trú, có tài sản tại địa phương đó.
4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự.
Thừa phát lại được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định:
-  Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
-  Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng;
-  Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi Thừa phát lại đặt văn phòng.
Trong số các hoạt động trên thì hoạt động lập vi bằng theo yêu cầu của cơ quan, cá nhân tổ chức được xem là một hoạt động mang lại nguồn thu cơ bản cho các Văn phòng Thừa phát lại và là hoạt động nỗi bật nhất của Thừa phát lại tính đến thời điểm này.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 2, Nghị định 61/2009/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 135/2013/NĐ-CP – sẽ có hiệu lực từ ngày 15 tháng 13 năm 2013) thì “Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dừng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.”
Cũng theo quy định tại Điều 25 về thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng thì:
Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại theo yêu cầu của đương sự.
Thừa phát lại không được lập vi bằng đối với những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người là người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.
Thừa phát lại không được lập vi bằng trong các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Một vấn đề pháp lý đặt ra hiện nay là: Thừa phát lại được quyền lập vi bằng để ghi nhận lại diễn biến của một phiên Tòa? Đây cũng chính là vấn đề mà tác giả muốn gửi đến quý vị đọc giả, trong phạm vi bài viết này tác giả phân tích việc lập vi bằng đối với phiên Tòa Dân sự
Tại sao phải lập vi bằng để ghi nhận lại diễn biến phiên Tòa?
Vừa qua, báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài báo phản án một phiên Tòa phúc thẩm tại tỉnh Tây Ninh với tựa đề: Sai phạm “động trời” tại TAND tỉnh Tây Ninh: Tuyên án một đằng, ban hành một nẻo, qua tựa đề bài báo thì trong chúng ta ai cũng đã thấy được sự khác biệt giữa nội dung “tuyên án” và nội dung “bản án” được ban hành sau khi xét xử. Với sự khác biệt này thì người có quyền lợi ích xâm phạm rất khó đòi lại được quyền lợi của mình, đặc biệt đó là một phiên Tòa phúc thẩm nên bản án sẽ có hiệu lực ngay sau khi tuyên án, đương sự không còn quyền kháng cáo như ở cấp sơ thẩm. Đương sự muốn thay đổi nội dung bản án thì phải làm đơn khiếu nại hoặc là làm đơn đề nghị giám đốc thẩm, tuy nhiên để yêu cầu được chấp nhận thì đó là một quá trình rất khó khăn và lâu dài vì thiếu chứng cứ để chứng minh Hội đồng xét xử đã có sự sai phạm trong quá trình tiến hành tố tụng.
Bên cạnh đó, hiện nay việc ghi nhận lại diễn biến phiên Tòa là trách nhiệm của thư ký phiên Tòa, theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Tố tụng Dân sự thì biên bản phiên Tòa phải ghi nhận những nội dung: Mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa; Các câu hỏi, câu trả lời và phát biểu tại phiên tòa. Thử hỏi có bao nhiêu thư ký có thể ghi nhận lại đầy đủ, trung thực, khách quan nội dung trên? Ngoài ra điều luật cũng quy định những người tham dự phiên Tòa có quyền được xem biên bản phiên Tòa ngay sau khi kết thúc phiên Tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên Tòa và ký xác nhận. Nhưng có bao nhiêu người đã tham gia tố tụng yêu cầu xem và được xem lại biên bản phiênTòa sau khi xét xử, kể cả Luật sư? Việc không xem biên bản phiên Tòa là do nhiều nguyên nhân: Đương sự hầu như không mấy ai biết quyền này; luật sư thì biết nhưng ngại “va chạm” với Tòa; rất nhiều phiên Tòa thư ký không ghi biên bản tại phiên Tòa mà chỉ ngồi nghe sau này mới hoàn thiện nên sau khi kết thúc phiên Tòa sẽ không có biên bản để xem. Một thực tế hiện nay không thể chối cãi được là ý kiến của luật sư trong phiên Tòa đã không được ghi nhận lại một cách đầy đủ, chính xác, đã làm ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của đương sự mà mình bảo vệ.
Qua đó cho thấy, nếu để quá trình tố tụng diễn ra như hiện nay thì việc thay đổi nội dung, diễn biến phiên Tòa so với biên bản phiên Tòa và nội dung bản án là tương đối dễ dàng.
Làm cách nào để có thể ghi nhận, phản ánh trung thực diễn biến phiên Tòa?
Khoản 2 Điều 211 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định : “Ngoài việc ghi biên bản phiên tòa, việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử”. Điều đó có nghĩa, nếu các bên tham gia phiên Tòa khi muốn ghi nhận lại diễn biến phiên Tòa để làm cơ sở khiếu nại hoặc giám đốc thẩm thì phải XIN phép Hội đồng xét xử và phải được sự ĐỒNG Ý của Hội đồng xét xử mới có thể tiến hành. Rõ ràng việc quy định như trên sẽ tạo ra sự tùy tiện trong quá trình xét xử, luật đã cho Hội đồng xét xử một quyền quá lớn, cho hoặc không cho việc ghi âm, ghi hình diễn biến phiên Tòa? Trong khi nguyên tắc xét xử được quy định tại Điều 15 là “xét xử công khai”. Một khi Hội đồng xét xử “nghiêng” về “một bên” thì “bên còn lại” xem như “hết cửa” ghi âm, ghi hình.
Thừa phát lại được quyền lập vi bằng trong trường hợp này?
Theo sự phân tích ở phần phạm vi và thẩm quyền lập vi bằng của Thừa phát lại ở trên và căn cứ vào Điều 15 Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định nguyên tắc “xét xử công khai” thì việc lập vi bằng để ghi nhận lại diễn biến phiên Tòa thuộc những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại được phép thực hiện.
Thừa phát lại có quyền tự mình lập vi bằng mà không có sự đồng ý của Hội đồng xét xử?
Theo tác giả thì nếu vi bằng được lập mà không có sự đồng ý của Hội đồng xét xử thì vi bằng đó là không hợp pháp, bởi lẽ Khoản 2 Điều 211 đã quy định ngoài việc ghi biên bản phiên Tòa việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi được sự đồng ý của Hội đồng xét xử. Điều luật không loại trừ trường hợp Thừa phát lại lập vi bằng thì không cần sự cho phép của Hội đồng xét xử, nguyên nhân có lẽ là do chế định Thừa phát lại là một chế định mới và đang được thí điểm áp dụng nên khi sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự, nhà lập pháp vẫn chưa thay đổi quy định trên.
Tuy nhiên, hiện nay Chế định Thừa phát lại đang được mở rộng phạm vi thí điểm và cũng đang từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong việc cải cách tư pháp, thiết nghĩ trong thời gian tới cơ quan có thẩm quyền cần có thêm quy định để hướng dẫn cụ thể về quyền lập vi bằng của Thừa phát lại tại các phiên Tòa Dân sự, nhằm đảm bảo sự khách quan, trung thực trong quá trình xét xử, đảm bảo được tốt nhất lợi ích của các đương sự, góp phần tạo sự công bằng trong xã hội và hướng đến một Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đức Hoài

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.