Thế nào là vi bằng về cán bộ, công chức?
(Thừa phát lại 24h)-Công văn số 4003/BTP-TCTHADS do Tổng cục thi hành án dân sự ban hành ngày 19/19/2014 yêu cầu các Văn phòng Thừa phát lại không được lập “vi bằng các sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức đang thi hành công vụ, trừ trường hợp sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng”.
Như vậy, quy định này được hiểu là Thừa phát lại chỉ được lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ công chức đang thi hành công vụ nếu sự kiện, hành vi đó rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng.
Hình minh họa
Dưới góc độ thực tiễn,đây là một quy định khá mơ hồ, đánh đố Thừa phát lại trong việc lập vi bằng có liên quan đến cán bộ, công chức bởi lẽ: Vi bằng do Thừa phát lại lập ghi nhận lại những hành vi, sự kiện làm để làm chứng cứ và những hành vi, sự kiện này thường có tính tức thời. Chờ Thừa phát lại phải đánh giá xem hành vi, sự kiện đó có rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng không rồi mới lập vi bằng thì e rằng đã muộn? Hay là Thừa phát lại cứ lập vi bằng đi rồi trong quá trình đó hành vi, sự kiện nào của cán bộ, công chức đúng quy định pháp luật thì không đưa vào vi bằng? Cá biệt, nếu tất cả hành vi đó đều đúng quy định thì Thừa phát lại không lập thành vi bằng bằng văn bản, không đi đăng ký? Cũng cần phải nói thêm rằng, rất khó để Thừa phát lại nhận định, đánh giá được sự kiện, hành vi nào của cán bộ công chức là rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng để mà tiếp nhận yêu cầu lập vi bằng? Hành vi của cán bộ, công chức có trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng hay không phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phán xét, quyết định.
Dưới góc độ nghiên cứu,để hiểu hơn về quy định trên thì chúng ta cần phải đi tìm câu trả lời cho một số câu hỏi:
- Thế nào là vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi của cán bộ công chức đang thi hành công vụ?
- Hành vi của cán bộ, công chức như thế nào thì được xem là rõ ràng trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người yêu cầu lập vi bằng?
- Vi bằng ghi nhận một sự kiện, hành vi với nội dung khác nhưng trong quá trình lập vi bằng mà có sự xuất hiện của cán bộ, công chức và Thừa phát lại có mô tả sự việc đó trong vi bằng thì có trái với quy định tại công văn số 4003/BTP-TCTHADS nói trên hay không?
- Người yêu cầu lập vi bằng chỉ có người dân hay bao gồm cả cơ quan nhà nước lẫn người dân?
Trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi của cán bộ công chức đang thi hành công vụ theo quan điểm của người viết là vi bằng do Thừa phát lại xác lập mà trong đó:
- Chủ yếu ghi nhận về hành vi, sự kiện cán bộ, công chức đang thi hành công vụ hay nói cách khác hành vi của cán bộ, công chức là đối tượng được ghi nhận chính trong vi bằng. Nếu trong vi bằng có ghi nhận các nội dung khác thì những nội dung này chỉ là nội dung phụ, thứ yếu.
- Những hành vi, sự kiện được ghi nhận trong vi bằng phải được người yêu cầu lập vi bằng yêu cầu từ trước bằng văn bản.
Ví dụ, người dân yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận cán bộ, công chức có những lời lẽ lăng mạ, chửi mắng hoặc hành vi khác xâm phạm danh dự, nhân phẩm người dân đến thực hiện thủ tục hành chính; hoặc vi bằng ghi nhận cán bộ, công chức trong giờ hành chính không giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà ngồi chơi game, nhậu nhẹt trong giờ làm việc… Loại vi bằng mà trong nội dung có mô tả về hành vi của cán bộ, công chức nhưng không phải là loại vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi của cán bộ công chức có thể kể đến như sau:
- Vi bằng ghi nhận hành vi giao thông báo đòi nhà cho ở nhờ nhưng trong quá trình lập vi bằng các bên có cãi vã nên công an khu vực đến lập biên bản hoặc đến yêu cầu các bên không làm mất trật tự;
- Vi bằng ghi nhận hành vi xây dựng lấn chiếm đất trái pháp luật và trong quá trình Thừa phát lại lập vi bằng thì các bên có lời qua tiếng lại, Uỷ ban nhân dân phường cử cán bộ xuống nắm tình hình, nhắc nhở và Thừa phát lại có mô tả việc này trong vi bằng.
Đức Hòai (Văn phòng Thừa phát lại Thủ Đức)
Không có nhận xét nào: