Tập huấn chuyên môn cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ
(Thừa phát lại 24h)-Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, 5 Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn TP đã đạt được những kết quả nhất định nhưng cũng gặp phải một số vướng mắc, khó khăn. Do đó, việc tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho Thừa phát lại và Thư ký nghiệp vụ của các Văn phòng Thừa phát lại là rất cần thiết. Có mặt tại Hội nghị tập huấn với vai trò báo cáo viên, ông Lê Xuân Hồng, Phó vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ I, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã trình bày chuyên đề triển khai văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động Thừa phát lại.
Phó GĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn.
Ảnh: Đỗ An
Ông Hồng cho biết: Hoạt động Thừa phát lại đã được thí điểm từ năm 2010 tại TP HCM và khi tổng kết vào năm 2012, hoạt động Thừa phát lại được đánh giá là tương đối thành công, được sự đón nhận tích cực của người dân. Đến nay, Thừa phát lại đã được thí điểm ở 13 địa phương với sự hoạt động của 45 Văn phòng Thừa phát lại. Trong đó, Hà Nội có 5 văn phòng.
Trình bày về những khó khăn đối với hoạt động Thừa phát lại hiện nay, ông Hồng chỉ ra 4 điểm chính: Đây là hoạt động còn mới với nhiều người, thậm chí là đối với cán bộ tư pháp; còn tâm lý cho rằng đây là một loại hình doanh nghiệp tư nhân nên chưa tạo được sự tin tưởng cao đối với người dân; hệ thống pháp luật về Thừa phát lại chưa đầy đủ; đội ngũ Thừa phát lại còn ít. Theo Nghị định 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP HCM, tại Điều 2 quy định rõ: “Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định của Nghị định và pháp luật có liên quan”.
Đến Nghị định 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số Điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP HCM thì Điều 2a quy định về Thừa phát lại được bổ sung: “Thừa phát lại là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền làm các công việc theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan”.
Vào ngày 23-5, Hội nghị tập huấn sẽ tiếp tục với các chuyên đề: Kỹ năng nghiệp vụ trong triển khai công việc của Thừa phát lại và các Thư ký nghiệp vụ trên thực tế; kỹ năng nghiệp vụ trong công tác xác minh điều kiện thi hành án; kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thi hành án.
Không có nhận xét nào: