Header Ads

Breaking News
recent

Không để Thừa phát lại tự bơi

(Thừa phát lại 24h)-“Một chế định mới như Thừa phát lại sẽ không thể thành công nếu thiếu sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành chức năng” là nhận định của nhiều Thừa phát lại Hà Nội khi nói về công việc hiện tại và tương lai.

Hướng dẫn người dân làm thủ tục tại Văn phòng Thừa phát lại Ba Đình
Tưởng bế tắc thì nghĩ ra… Thừa phát lại
Chiều tối ngày 4/6/2014, Hà Nội có trận mưa giông rất lớn, cây cối đổ ngã, giao thông tắc nghẽn, có người chết, người bị thương, tài sản hư hại…Trong khuôn viên sân vận động Mỹ Đình, gió giật cũng làm tốc mái, ảnh hưởng đến hàng chục gian hàng đang tham gia một hội chợ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, các chủ gian hàng đã báo cho Ban Tổ chức và đề nghị có sự can thiệp giải quyết.
Quá trình này, các bên còn mời cả Công an, chính quyền và một số lực lượng chức năng cùng tham gia, chứng kiến việc họ bị thiệt hại do mưa giông gây ra. Thậm chí một số chủ hàng còn mời cả Luật sư tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, các lực lượng chức năng có mặt cũng không thể giải quyết vấn đề vì không thuộc thẩm quyền (việc này phải do thỏa thuận giữa Ban Tổ chức và các chủ hàng). Đúng lúc tưởng như bế tắc thì một Luật sư đã nghĩ đến Thừa phát lại.
Ngay lập tức Thừa phát lại Hoàn Kiếm (số 8 Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội) được mời vào cuộc lập vi bằng ghi nhận hiện trạng thiệt hại của chủ một gian hàng. Sự xuất hiện của Thừa phát lại đã phần nào làm thay đổi cục diện. Ban Tổ chức đã thay đổi quan điểm và bước đầu ngồi lại thương thảo với các chủ gian hàng.
Từ vụ việc nói trên, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng cho biết: “Những vụ việc tương tự như trên xảy ra hàng ngày, hàng giờ, nhiều người khi có chuyện, muốn ghi nhận một sự kiện hoặc một hiện trạng nào đó nhưng họ không biết gọi đến ai, ở đâu vì chưa hề biết đến sự có mặt của Thừa phát lại. Bản thân nhiều cán bộ trong các cơ quan nhà nước cũng chưa biết, chưa hiểu Thừa phát lại làm gì nên không thể hướng dẫn cho người dân đến đúng địa chỉ cần đến”.
Cũng xác định tuyên truyền phải là việc đi trước, Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm đã tự chủ động cấp phát tờ rơi, tờ gấp, tổ chức Hội nghị tập huấn đến các cán bộ chủ chốt của huyện, 100% các xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ; tổ chức gặp mặt khách hàng là những ngân hàng lớn và thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền khác với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Vì thế, bước đầu người dân ở một số khu vực tại địa bàn mà Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm phụ trách đã biết đến và sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại. Công việc chủ yếu hiện nay của Thừa phát lại Hoàn Kiếm cũng như nhiều Văn phòng khác là lập vi bằng, còn việc xác minh thi hành án cũng chỉ mới bắt đầu. Khi được hỏi “Thừa phát lại có dành cho người nghèo?”, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định: “Văn phòng sẽ sẵn sàng miễn phí cho những đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách”.
Ngoài việc tuyên truyền để mọi người dân sử dụng dịch vụ do Thừa phát lại cung cấp, Trưởng Văn phòng Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng cũng nhấn mạnh: “Thừa phát lại không thể thành công nếu thiếu sự phối hợp, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan Tòa án, Thi hành án dân sự…”.


Không để Thừa phát lại “tự bơi”
Mong muốn của ông Thắng cũng là kiến nghị của nhiều Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô, nhất là trong giai đoạn đầu, hoạt động Thừa phát lại còn hết sức mới mẻ, sơ khai. Trên thực tế, sau khi có quyết định cho lập 5 Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô. Kế hoạch nêu rõ công việc và tiến độ thực hiện, trong đó có việc tổ chức quán triệt các văn bản pháp luật liên quan đến Thừa phát lại, lập Ban Chỉ đạo Đề án, tăng cường công tác truyền thông; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại…
Kế hoạch cũng phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan như Tòa án nhân dân thành phố, VKS, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự , Công an, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Thuế, UBND cấp quận. Được biết, tuần tới Sở Tư pháp Hà Nội cũng có kế hoạch tập huấn về Thừa phát lại cho các cán bộ chủ chốt.
Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, thậm chí mời cả các chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho Thừa phát lại. Các hoạt động này ngoài việc đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ cho Thừa phát lại còn tạo cho họ cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Hà Nội cũng luôn ủng hộ việc làm của Thừa phát lại vì đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, giúp người dân khi có yêu cầu, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước. Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng Phạm Mạnh Hùng cho biết: “Hiện mỗi chấp hành viên của quận mỗi năm phải thi hành đến gần 300 việc, trong đó có rất nhiều việc khó. Do đó, việc Thừa phát lại được thành lập và đi vào hoạt động sẽ góp phần giảm tải cho cơ quan Thi hành án dân sự. Chỉ có điều hiện nay do chưa có kinh phí và cũng chưa thống nhất được về giá nên chưa thể ký hợp đồng tống đạt. Còn việc xác minh điều kiện thi hành án ,Thừa phát lại vẫn làm bình thường”.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự quận Thanh Xuân Nguyễn Song Hà thì cho biết: “ Mỗi năm Thi hành án dân sự Thanh Xuân thụ lý khoảng 1.600- 1.700 việc, trong khi cả Chi cục chỉ có 7 chấp hành viên. Với lượng công việc như vậy thì việc san sẻ cho Thừa phát lại là rất nên và chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc triển khai chế định này”.
Về phía Sở Tư pháp Hà Nội (cơ quan giúp UBND TP trong việc thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại), theo Giám đốc Sở Tư pháp Phan Hồng Sơn thì việc làm cấp bách trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về Thừa phát lại bằng nhiều hình thức để người dân biết và hiểu rõ hơn về hoạt động của Thừa phát lại. Công tác tập huấn cho Thừa phát lại cũng sẽ được chú trọng. Trong phạm vi, thẩm quyền, Sở Tư pháp sẽ hỗ trợ một cách tối đa để các Văn phòng đầu tiên này hoạt động một cách hiệu quả nhất.
Đánh giá cao vai trò của những người đi tiên phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Giai đoạn đầu chắc chắn sẽ có những khó khăn do đây là mô hình mới. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự luôn dành sự quan tâm đặc biệt và tạo điều kiện tối đa cho các Văn phòng Thừa phát lại đi vào hoạt động có hiệu quả”.
Phó Tổng cục trưởng cũng hy vọng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành trên địa bàn thành phố, các Văn phòng Thừa phát lại đầu tiên ở Hà Nội sẽ là ngọn cờ đầu của thành phố, góp phần cho việc tiếp tục triển khai thí điểm Thừa phát lại đạt hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sơn cũng lưu ý các Văn phòng không được chọn việc theo kiểu “dễ làm, khó bỏ” vì đây là nghề cung cấp dịch vụ, nếu không kịp thời sẽ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng cũng mong muốn các Thừa phát lại Hà Nội không ngừng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để trở thành những hạt nhân cho hoạt động Thừa phát lại sau này.

Kết
Mặc dù Bộ Tư pháp, UBND TP.Hà Nội đã dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động của Thừa phát lại, tuy nhiên, để hỗ trợ tích cực hơn nữa cho công việc còn nhiều mới mẻ này, theo Trưởng Văn phòng Thừa phát lại Hoàn Kiếm Nguyễn Toàn Thắng: “Các cấp, ngành của thành phố cần quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền pháp luật, tạo niềm tin cho người dân vào Thừa phát lại; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Nên chăng, Thành ủy Hà Nội cũng cần có một văn bản chỉ đạo để tăng cường hoạt động này”.
Còn Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Hà Đông Bùi Trọng Hào cũng đề nghị: “Cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan Tư pháp, Tòa án, Thi hành án dân sự… Bên cạnh đó, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại những tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm và phát huy vai trò tích cực, chủ đạo của Ban này để đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện một cách đồng bộ”.
Kinh nghiệm ở thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, khi thực hiện thí điểm chế định này, Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng, phát hành cuốn Cẩm nang Thừa phát lại (cấp phát cho các Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ và một số cơ quan tư pháp); Sổ tay Tư pháp xã phường với công tác thi hành án và Thừa phát lại (cấp phát cho các xã, phường tại thành phố Hồ Chí Minh) và các tài liệu giới thiệu, hướng dẫn về Thừa phát lại... phục vụ cho các Văn phòng Thừa phát lại.
Các tài liệu trên đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức pháp lý, kỹ năng nghề nghiệp cho Thừa phát lại và cho các công chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức liên quan đối với hoạt động này. Tuy nhiên, ở Hà Nội nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai còn chưa kịp thời, việc tuyên truyền về Thừa phát lại của Văn phòng nào vẫn chủ yếu do Văn phòng đó chủ động thực hiện mà thiếu một “tiếng nói chung”.
Đức Hoài (Thư ký nghiệp vụ VP Thừa phát lại Thủ Đức)
Nguồn: http://www.baomoi.com/
========================================
Mọi sự quan tâm hay yêu cầu hỗ trợ về Thừa phát lại, xin vui lòng  liên hệ:
                        VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI QUẬN THỦ ĐỨC
ĐỊA CHỈ: 41 Nguyễn Văn Bá, Phường Bình Thọ, Quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh
HOTLINE: 01234 112 115   -   0906 311 132
ĐIỆN THOẠI: (84 8) 228 198           FAX: (84 8) 37 228 126
EMAIL: vanphongthuaphatlai@gmail.com
ĐẶT CÂU HỎI TẠI MẠNG XÃ HỘI: https://www.facebook.com/vanphongthuaphatlai

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.