Bài học của Thừa phát lại Pháp cho Việt Nam
(Hoailegal)-Tổng hợp ý kiến trình bày của chuyên gia Pháp tại lớp bồi dưỡng thừa pháp lại, ngày 28/11/2010.
Tiếp nối các hoạt động nhằm hỗ trợ việc thực hiện thí điểm mô hình thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 11 năm 2010, Nhà Pháp luật Việt-Pháp đã tổ chức Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Dưới đây là tổng hợp một số nội dung trao đổi tại Lớp bồi dưỡng này liên quan đến hoạt động lập vi bằng.
Pháp luật và thực tiễn hoạt động lập vi bằng ở Cộng hòa Pháp
Văn bản pháp luật nền tảng điều chỉnh tổ chức và hoạt động của thừa phát lại ở Cộng hòa Pháp là Pháp lệnh số 45-2592 ngày 2/11/1945 về thừa phát lại. Điều 1 Pháp lệnh này quy định một trong những hoạt động của thừa phát lại là lập vi bằng để xác nhận các sự kiện, hành vi theo quyết định của Tòa án hoặc theo yêu cầu của đương sự.
Giá trị pháp lý của vi bằng: Pháp lệnh ngày 02/11/1945 quy định vi bằng của thừa phát lại chỉ có giá trị thông tin. Tuy nhiên trên thực tế, trong quá trình xét xử các vụ án, tòa án thường đánh giá cao giá trị chứng minh của vi bằng và coi vi bằng là một nguồn chứng cứ, là cơ sở để ra bản án, quyết định.
Các thông tin trong vi bằng được chia thành hai loại có giá trị pháp lý khác nhau. Các thông tin về ngày, tháng, năm, giờ lập vi bằng, chữ ký của thừa phát lại, địa điểm lập vi bằng, danh tính của người yêu cầu lập vi bằng và của những người mà thừa phát lại đã gặp khi lập vi bằng, là những thông tin có giá trị chứng minh vững chắc vì chỉ có thể phản bác các thông tin này trong trường hợp chứng minh được thừa phát lại có hành vi gian lận giả mạo giấy tờ (đây là một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trong pháp luật Pháp). Các thông tin khác của vi bằng như thông tin về những điều mà thừa phát lại nhìn thấy, nghe thấy, thậm chí ngửi thấy, chỉ có giá trị tham khảo thông thường. Sắp tới, Nghị viện Pháp sẽ xem xét thông qua một dự thảo luật nhằm tăng cường giá trị chứng cứ của vi bằng trong quá trình xét xử các vụ án.
Một số nguyên tắc về lập vi bằng: khi lập vi bằng, thừa phát lại phải tuyệt đối trung thực, khách quan, nghĩa là không được đưa ra ý kiến đánh giá về mặt vật chất hoặc pháp lý đối với các sự kiện, hành vi. Tính khách quan này chính là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính chính đáng và giá trị của vi bằng.
Khi lập vi bằng, thừa phát lại có thể sử dụng máy ảnh, máy đo tiếng ồn, độ ẩm hoặc các thiết bị khác cần thiết cho việc lập vi bằng.
Vi bằng phải được lập vào một thời điểm và tại một địa điểm xác định. Không được lập vi bằng để xác nhận một sự việc đã xảy ra.
Khi lập vi bằng, không cần phải tuân thủ nguyên tắc tranh tụng.
Trường hợp lập vi bằng tại nơi ở hoặc tại nơi công cộng theo yêu cầu của đương sự, thừa phát lại có thể tác nghiệp vào bất cứ thời điểm nào, kể cả ngày lẫn đêm kể cả ngày nghỉ. Tuy nhiên, trường hợp lập vi bằng tại địa điểm thuộc về cá nhân, tổ chức khác theo quyết định của tòa án, thừa phát lại chỉ được tác nghiệp trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ.
Thừa phát lại không được lập vi bằng chỉ dựa vào lời khai của đương sự mà phải đến tận nơi để xác nhận.
Thừa phát lại là người duy nhất ký vào vi bằng. Vi bằng không cần có chữ ký của đương sự và người làm chứng.
Vi bằng có thể được sử dụng làm bằng chứng trước mọi cơ quan, tổ chức.
Vi bằng không cần phải đăng ký với bất kỳ cơ quan nào. Thừa phát lại là người hành nghề độc lập và tự chịu trách nhiệm lưu giữ các vi bằng. Khi Tòa án yêu cầu, thừa phát lại sẽ cung cấp vi bằng làm bằng chứng.
Các chủ thể có quyền yêu cầu lập vi bằng: vi bằng có thể được lập theo quyết định của Tòa án hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức, hoặc theo quy định của pháp luật.
Lập vi bằng theo quyết định của Tòa án: có hai trường hợp:
- Lập vi bằng trong tố tụng: Tòa án tự mình hoặc theo yêu cầu của các bên, ra quyết định lập vi bằng trong quá trình giải quyết vụ án.
- Lập vi bằng ngoài tố tụng: Trong trường hợp khẩn cấp, Tòa án ra quyết định lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự. Trong trường hợp này, đương sự không đương nhiên được yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng mà phải có quyết định cho phép của Tòa án. Ví dụ trường hợp có tranh chấp, nếu muốn thừa phát lại đến lập vi bằng tại nơi ở hoặc cơ sở của bên đối phương, đương sự phải yêu cầu Tòa án ra quyết định lập vi bằng. Trong trường hợp này, không cần phải thông báo cho bên đối phương. Đây là một công cụ rất hiệu quả để khuyến khích bên bị lập vi bằng tiến hành thương lượng với bên yêu cầu lập vi bằng để tránh việc khởi kiện ra Tòa án.
Lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự: thừa phát lại có thể lập vi bằng về mọi sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Lập vi bằng theo quy định pháp luật, pháp luật quy định một số trường hợp phải tiến hành xác nhận sự kiện, hành vi dưới hình thức vi bằng của thừa phát lại.
Hình: Chụp hình lưu niệm với Thừa phát lại Pháp trong 1 buổi tập huấn |
Các lĩnh vực được lập vi bằng: thừa phát lại có thể lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự về mọi sự kiện, hành vi trừ trường hợp trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trên thực tế, thừa phát lại lập thường lập vi bằng trong các lĩnh vực:
- Xác nhận tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình
- Xác nhận tình trạng nhà trước khi cho thuê nhà
- Xác nhận tình trạng nhà khi mua nhà
- Xác nhận tình trạng bị hàng xóm lấn chiếm đất
- Xác nhận việc chiếm giữ nhà, trụ sở trái pháp luật
- Xác nhận tình trạng tài sản trước khi ly hôn, thừa kế
- Xác nhận hàng giả được bán tại cơ sở kinh doanh thương mại
- Xác nhận việc giao hàng kém chất lượng
- Xác nhận hành vi cạnh tranh không lành mạnh
- Xác nhận việc tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông
- Xác nhận mức độ ô nhiễm tiếng ồn
- Xác nhận sự chậm trễ trong thi công công trình
- Xác nhận tình trạng vệ sinh của công trình
- Xác nhận tình trạng công trình khi nghiệm thu
- Xác nhận tình trạng đình công, biểu tình (số người biểu tình, đình công, thiệt hại xảy ra, hành vi không cho người muốn làm việc vào nơi làm việc…)
- Xác nhận trong lĩnh vực tin học (hành vi đưa thông tin của doanh nghiệp lên Internet mà không được phép của doanh nghiệp, ăn cắp thông tin, vu khống, vu cáo…)
- Xác nhận quy trình quay sổ xố, lô tô, các trò chơi có thưởng
- vv….
Trong quá trình tố tụng, Tòa án có thể yêu cầu thừa phát lại xác nhận mọi sự kiện, hành vi nếu thấy cần thiết cho việc giải quyết vụ án.
Phí lập vi bằng: phí lập vi bằng do thừa phát lại tự do thỏa thuận với khách hàng, có thể dưới hình thức thù lao trọn gói hoặc theo giờ. Tùy thuộc mức độ phức tạp của vi bằng, phí vi bằng sẽ khác nhau. Việc xác định phí vi bằng phụ thuộc vào nhiều yếu tố : khả năng tiếp cập địa điểm lập vi bằng, mức độ kỹ thuật của vấn đề cần lập vi bằng, thời gian lập vi bằng, khoảng cách mà thừa phát lại cần phải di chuyển để lập vi bằng vv…. Phí lập vi bằng do người yêu cầu lập vi bằng trả. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, người yêu cầu lập vi bằng có thể thỏa thuận là trong trường hợp họ thắng kiện thì bên thua kiện sẽ phải trả phí đó.
Hỗ trợ kỹ thuật khi lập vi bằng: đối với những vấn đề kỹ thuật phức tạp, thừa phát lại có thể có sự trợ giúp của chuyên gia về lĩnh vực liên quan để đảm bảo những thông tin ghi trong vi bằng chính xác nhất có thể. Ví dụ trường hợp xác nhận trên máy tính, thừa phát lại thường làm việc cùng với một chuyên gia tin học.
Một số vấn đề liên quan đến thực tiễn hoạt động lập vi bằng ở Việt Nam và kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp
Năm Văn phòng thừa phát lại đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh và đã đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2010. Cho đến thời điểm này, hoạt động chủ yếu của các Văn phòng thừa phát lại là lập vi bằng theo yêu cầu của đương sự. Tuy nhiên, do đây là một hoạt động mới, thừa phát lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên còn gặp khá nhiều lúng túng trong quá trình hành nghề. Tại Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thừa phát lại của Nhà Pháp luật Việt-Pháp, các thừa phát lại Việt Nam đã trao đổi một số vấn đề còn vướng mắc và đã được các đồng nghiệp Pháp chia sẻ kinh nghiệm.
Đối với hợp đồng mua bán bất động sản: theo quy định pháp luật Việt Nam, hợp đồng này phải được công chứng nhưng thực tế có trường hợp các bên không đi công chứng mà yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng. Trong trường hợp này, theo ý kiến của chuyên gia Pháp, thừa phát lại phải từ chối yêu cầu lập vi bằng và hướng dẫn các bên đi công chứng hợp đồng.
Lập vi bằng lời khai của đương sự: chuyên gia Pháp cho rằng thừa phát lại không được lập vi bằng chỉ căn cứ vào lời khai của đương sự. Lý do đơn giản vì lời khai của đương sự chưa chắc đã đúng sự thực, mà vi bằng nhằm xác nhận một sự việc, một tình trạng khách quan.
Trường hợp phải vào nơi ở của cá nhân để lập vi bằng mà người đó vắng mặt hoặc không đồng ý: theo quy định của pháp luật Pháp, thừa phát lại ở Pháp phải tiến hành thủ tục yêu cầu Tòa án ra quyết định cho phép thừa phát lại đến nơi lập vi bằng cùng với một thợ khóa để phá khóa vào nhà của đương sự.
Trường hợp vay mượn tiền, tài sản, các bên yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về việc vay mượn đó: ở Pháp không đặt ra trường hợp này vì đối với loại hợp đồng này, các bên có thể ký hợp đồng với nhau, sau đó đăng ký hợp đồng với cơ quan thuế, hoặc các bên cũng có thể yêu cầu công chứng viên lập và công chứng hợp đồng vay mượn.
Thừa phát lại gặp nguy hiểm khi đi tác nghiệp: do thừa phát lại có quy chế là người được Nhà nước ủy quyền để thực hiện dịch vụ công nên thừa phát lại được pháp luật bảo vệ theo cơ chế đặc thù. Việc đe dọa, lăng mạ thừa phát lại hay các hành vi tương tự cấu thành các tình tiết tăng nặng của vi phạm hình sự đó, và có thể bị phạt tù hoặc phạt tiền. Trong các trường hợp đặc biệt đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, thừa phát lại có thể yêu cầu cảnh sát trợ giúp.
Từ chối lập vi bằng: theo pháp luật Pháp, thừa phát lại không thể từ chối yêu cầu lập vi bằng trừ khi yêu cầu này là trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc thuộc lĩnh vực hoạt động của một nghề khác (ví dụ công chứng).
Trường hợp nhân viên Tòa án gây khó dễ cho đương sự trong việc nộp đơn khởi kiện, đương sự nhờ thừa phát lại lập vi bằng về hành vi này: theo pháp luật Pháp, nếu nhân viên Tòa án gây khó dễ cho đương sự trong việc nộp đơn khởi kiện thì có thể khiếu nại hành vi này lên Viện trưởng Viện Công tố. Theo chuyên gia Pháp, việc nhờ thừa phát lại lập vi bằng về hành vi này không thực sự là một giải pháp hay và hiệu quả.
Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ vi bằng:ở Pháp, vi bằng đã được lập không thể bị thay đổi. Lý do vì nếu thay đổi, mức độ tin cậy của vi bằng sẽ bị giảm sút khi được đưa ra làm bằng chứng trước Tòa án. Do vậy, trong trường hợp cần thiết thì phải lập vi bằng mới chứ không được sửa đổi, bổ sung vi bằng ban đầu.
Trên đây là một số thông tin về pháp luật và thực tiễn hoạt động lập vi bằng ở Cộng hòa Pháp xin giới thiệu để bạn đọc quan tâm tham khảo.
Không có nhận xét nào: