Thừa phát lại Việt Nam có từ khi nào?
Trả lời:
Thừa phát lại xuất hiện ở nước ta từ khi người Pháp tổ chức tòa án, đặt ra thủ tục tố tụng kiểu phương Tây. Tiếng Pháp gọi họ là “huissier”, người Việt ta gọi họ là “mõ tòa”, “chưởng tòa”... Chưởng tòa là tiếng Hán - Việt, vì mỗi khi hội đồng xử án đăng đường, họ có nhiệm vụ loan báo “Messieurs, la cour!” (nghĩa là: Thưa quý vị, tòa bắt đầu!”. Nói xong, viên chưởng tòa đứng dậy giơ tay ra (“chưởng” là bàn tay) mở cánh cửa để hội đồng xét xử bước vào chỗ ngồi xử án.
Hình minh họa |
Viên chưởng tòa có nhiệm vụ loan báo khai mạc, bế mạc phiên tòa, gọi tên các đương sự, thông báo nội quy phiên tòa... Ngoài ra, chưởng tòa còn có nhiệm vụ tống đạt trát tòa, các giấy tờ cần thiết của tòa đến các đương sự, lập vi bằng (procès verbal) có giá trị chứng cứ để nộp cho tòa...
Dưới chế độ cũ (nhà nước Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại và Việt Nam Cộng hòa trước 1975), họ phụ trách một số công việc giúp tòa án và các đương sự và chính thức có tên gọi là “Thừa phát lại”. Thời xưa “lại” hay “lại viên” là một loại “công lại” nhỏ làm việc trong cơ quan nhà nước, không có nhiệm vụ chỉ huy người khác (nên nhớ từ “quan lại” chỉ chung những người làm việc trong bộ máy nhà nước có giữ chức vụ nào đó - quan chức; và những người không có chức vụ gì cả -lại viên).
Hình minh họa |
Tòa án bấy giờ có ba loại “lại” là: cảnh lại (cảnh sát giữ trật tự tại phiên tòa, dẫn giải phạm nhân ra tòa), hộ lại (viên chức làng xã phụ giúp cho tòa ghi chép sổ bộ hộ tịch) và Thừa phát lại (phụ trách công việc giúp đỡ cho tòa và các đương sự một số việc thuộc tố tụng như nói trên). Sau khi tòa xử xong, có bản án rồi thì Thừa phát lại trực tiếp phụ trách việc thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Đức Hoài
Không có nhận xét nào: